Thông tin mới nhất






 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Người bệnh tim mạch cần chú trọng việc nâng cao sức khỏe và “phòng vệ trái tim” trước COVID-19
Lượt xem: 419

Bệnh tim mạch là do các rối loạn của tim và mạch máu. Bệnh tim mạch bao gồm bệnh mạch vành (nhồi máu cơ tim), tai biến mạch máu não (đột quỵ), tăng huyết áp tăng, bệnh động mạch ngoại biên, bệnh thấp tim, bệnh tim bẩm sinh và suy tim. Bệnh lý tim mạch được xem là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay. 

Ổn định huyết áp, phòng vệ trái tim. Ảnh: Trọng Thụ

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất thế giới. Trong đó, bệnh tim thiếu máu cục bộ chiếm 16% và đột quỵ chiếm 11% số ca tử vong trên toàn cầu.

Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay, nguy cơ tử vong thường tập trung chủ yếu vào nhóm đối tượng người cao tuổi, có bệnh lý nền như: tăng huyết áp, bệnh tim mạch và các bệnh lý mạn tính khác. COVID-19 không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới hệ hô hấp mà còn gây rối loạn chức năng tim mạch.

Cũng theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở người bệnh tim mạch chiếm hơn 10%, tiếp đó là tiểu đường lớn hơn 7%. Số còn lại đứng đầu trong danh sách là người mắc bệnh hô hấp mãn tính, còn ở người bình thường là 0,9%. Điều đó cho thấy nguy cơ tử vong do COVID-19 ở người bệnh tim mạch là cao nhất và cao gấp 10 lần người bình thường.

Theo báo cáo trên tạp chí Y Khoa Hoa Kỳ, qua nghiên cứu hồ sơ của 138 bệnh nhân nhập viện vì nhiễm COVID-19 cho biết gần 17% người bị rối loạn nhịp tim và hơn 7% bị tổn thương tim cấp tính, bao gồm: ngừng tim, nhồi máu cơ tim, suy tim cấp tính và viêm cơ tim.

Đặc biệt có khoảng 70% người bệnh tim mạch bị tổn thương cơ tim do vi rút SARS-CoV-2 đã tử vong. Điều đó cho thấy tác động của COVID-19 lên người bệnh tim và rối loạn nhịp tim nguy hiểm như thế nào.

Lý do người bệnh tim mạch mắc COVID-19 tử vong cao là bởi khi vi rút SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể sẽ kích hoạt bệnh tim tiềm ẩn và gây ra phản ứng viêm nghiêm trọng ở mạch máu và cơ tim dẫn tới cơn đau tim, rối loạn nhịp, hội chứng mạch vành cấp tính, suy tim cấp. Bên cạnh đó, chức năng tim đã suy yếu, người bệnh vốn đã khó thở, mệt mỏi vì bệnh tim mạch sẵn có, nay lại càng khó thở hơn vì COVID-19 gây hội chứng viêm phổi cấp, khiến họ không đủ sức chống chọi với dịch bệnh. Nếu bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2 tiến triển bệnh của họ sẽ nặng hơn, khả năng hồi phục cũng khó khăn so với người bình thường.

Vì thế, ở thời điểm này, người bệnh tim mạch cần đặc biệt chú trọng việc nâng cao sức khỏe và bảo vệ trái tim của mình.

Các hướng dẫn dưới đây là thông tin cần thiết để người bệnh tim mạch biết cách phòng tránh dịch bệnh tốt nhất.

Thứ nhất, sử dụng và dự phòng đầy đủ thuốc theo đơn

Dùng thuốc theo đơn của bác sĩ là cách tốt nhất để bảo vệ trái tim bạn và chống lại các biến chứng của dịch COVID-19 nếu lỡ mắc bệnh. Kể cả khi các triệu chứng bệnh đã thuyên giảm, bạn cũng không nên tự ý giảm liều hay bỏ thuốc vì điều đó có thể làm nhịp tim tăng trở lại.

Thứ hai, giữ huyết áp và mỡ máu trong giới hạn mục tiêu

Duy trì huyết áp trong giới hạn mục tiêu sẽ giúp bạn ổn định nhịp tim tốt hơn. Trong trường hợp bạn đang dùng thuốc giảm mỡ máu nhóm Statin - hãy tiếp tục dùng và chỉ ngừng khi có sự đồng ý của bác sĩ. Nhiều báo cáo cho thấy, việc sử dụng nhóm thuốc này ở người bệnh mạch vành, rối loạn lipid máu có thể giảm rủi ro tim mạch tốt hơn trong mùa dịch COVID-19.

Thứ ba, dùng thuốc hạ sốt khi sốt trên 38,5 độ C

Bất kể là bạn sốt do vi rút SARS-CoV-2 hay sốt do các các nguyên nhân khác đều cần uống thuốc hạ sốt (tốt nhất là Paracetamol) để hạ thân nhiệt. Vì khi sốt cao sẽ gây rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não ở người bệnh có tiền sử tăng huyết áp. Ngoài thuốc hạ sốt, bạn cũng nên mua thêm các thuốc thông dụng như thuốc ngậm ho, giảm đau họng và một số thuốc thông dụng khác như thuốc tiêu chảy, thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi  thông dụng đề phòng trường hợp bị ốm.

Thứ , tập thể dục trong nhà thay vì ngoài trời

Bạn nên tập những bài thể dục vừa sức như đi bộ quanh nhà hoặc chạy bộ với máy tập, tập vẩy tay, tập yoga,... Những bài tập này tuy đơn giản nhưng có tác dụng đáng kể với người bệnh tim mạch, giúp máu dễ dàng lưu thông trong cơ thể và tăng cường hệ miễn dịch, từ đó hạn chế nguy cơ lây nhiễm COVID-19 khỏi môi trường bên ngoài.

Không phải ai nhiễm COVID-19 cũng sốt, ho, khó thở. Mỗi người bị nhiễm bệnh, cơ thể sẽ có những phản ứng khác nhau. Đặc biệt ở người bệnh tim mạch, đôi khi triệu chứng bệnh bị che lấp bởi các bệnh lý nền. Bởi vậy, ngoài những triệu chứng sốt, ho, khó thở mà người nhiễm COVID-19 thường gặp phải, người bệnh tim mạch cần lưu ý thêm đến các triệu chứng đau ngực, nhịp tim không đều.

Cũng như các bệnh mạn tính khác, người bị bệnh tim mạch nên chú trọng nâng cao sức đề kháng bằng cách duy trì lối sống khỏe mạnh. Nên bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất cần thiết. Ngoài ra, bạn cũng nên tập thể dục đều đặn và kiểm soát căng thẳng. 

Bảo An

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang