Bệnh Ho gà - căn bệnh nguy hiểm
Bệnh Ho gà là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp do trực khuẩn Ho gà gây nên. Bệnh thường xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ nhỏ hay người không tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ. Bệnh thường xảy ra vào mùa Đông- Xuân, nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn tới suy hô hấp, viêm não, tử vong.
Bệnh lây theo đường hô hấp, lây lan mạnh nhất trong 1 - 2 tuần đầu của bệnh. Do vi khuẩn có trong những hạt nước bọt bắn ra từ mũi, miệng bệnh nhân khi ho, hắt hơi trực tiếp sang người lành. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường xảy ra vào mùa lạnh nhất là mùa Đông- Xuân. Vì trong những ngày thời tiết thường xuyên ẩm ướt không khí không nóng cũng không lạnh chính là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn Ho gà sinh sôi và phát triển.
Triệu chứng:
Bệnh Ho gà trong giai đoạn đầu rất khó nhận biết vì bệnh thường có các dấu hiệu giống như bệnh cảm cúm, viêm đường hô hấp thông thường. Dưới đây là các triệu chứng chính để nhận biết bệnh Ho gà:
* Thời kỳ nung bệnh: 2-30 ngày (trung bình 5-12 ngày).
* Thời kỳ khởi phát (hay còn gọi giai đoạn xuất tiết, giai đoạn viêm long)
Thường từ 3-14 ngày với các biểu hiện:
- Sốt nhẹ, từ từ tăng dần.
- Các triệu chứng viêm long đường hô hấp: ho khan, hắt hơi, chảy nước mũi, đau rát họng, dần dần chuyển thành ho cơn.
* Thời kỳ toàn phát (hay giai đoạn co thắt, giai đoạn ho cơn)
Kéo dài 1-2 tuần. Xuất hiện những cơn Ho gà điển hình, xảy ra bất chợt, vô cớ cả ngày và đêm, ho nhiều về đêm, ho cả khi trẻ đang chơi, đang ăn hoặc khi quấy khóc. Cơn ho diễn biến qua 3 giai đoạn: ho, thở rít vào và khạc đờm.
- Ho: ho rũ rượi, thành cơn, mỗi cơn từ 15-20 tiếng ho liên tiếp, càng về sau càng yếu và giảm dần. Ho nhiều làm trẻ thở yếu dần có lúc như ngừng thở, mặt tím tái, mắt đỏ, tĩnh mạch cổ nổi, chảy nước mắt nước mũi.
- Thở rít vào: Xuất hiện cuối cơn ho hoặc xen kẽ sau mỗi tiếng ho, trẻ thở rít vào nghe như tiếng gà rít.
- Khạc đờm: Khi trẻ khạc đờm trắng, màu trong, dính như lòng trắng trứng là lúc kết thúc một cơn ho. Trong đờm có trực khuẩn ho gà
Sau mỗi cơn ho trẻ bơ phờ mệt mỏi, có thể nôn, vã mồ hôi, mạch nhanh, thở nhanh. Kèm theo có thể thấy một số triệu chứng sau: Sốt nhẹ hoặc hoặc không sốt, mặt và mi mắt nặng, loét hãm lưỡi (nằm ở mặt dưới của lưỡi).
* Thời kỳ lui bệnh và hồi phục
Kéo dài khoảng 2-4 tuần. Số cơn ho giảm dần, thời gian mỗi cơn ngắn lại, cường độ ho giảm, khạc đờm ít, sau đó hết hẳn. Tình trạng toàn thân tốt dần lên, trẻ ăn được và vui chơi bình thường.
Ở một số trẻ xuất hiện những cơn ho phản xạ kéo dài, thậm chí tới 1-2 tháng.
Đây là bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao, tuy nhiên nếu được điều trị kịp thời, người bệnh có thể hồi phục hoàn toàn, không để lại di chứng gì đặc biệt ở đường hô hấp sau này. Do đó khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị càng sớm càng tốt tránh nguy cơ bị biến chứng.
Biến chứng:
Ho gà có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng và đôi khi đe dọa tính mạng ở sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ chưa được tiêm phòng đầy đủ. Dưới đây là các biến chứng thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ:
* Biến chứng hô hấp:
- Viêm phổi: là biến chứng thường gặp nhất, chiếm 20%, thường xảy ra vào tuần thứ 2, thứ 3 của giai đoạn ho cơn.
- Giãn phế quản: Thường là hậu quả của bội nhiễm phế quản - phổi.
- Viêm phổi - phế quản là biến chứng hô hấp hay gặp, nhất là ở trẻ sơ sinh và trẻ suy dinh dưỡng. Có thể dẫn tới tử vong do suy hô hấp nếu không được điều trị kịp thời.
* Biến chứng thần kinh:
- Viêm não là một biến chứng nặng của bệnh Ho gà, tỷ lệ tử vong cao.
- Co giật thường gặp ở trẻ nhỏ hoặc trẻ sơ sinh.
- Liệt nửa người, liệt chi và mất ngôn ngữ là do xuất huyết hoặc xung huyết não.
- Cơn Têtani hay còn gọi là cơn hạ Calci máu xuất hiện khi nôn mửa nhiều (là tình trạng tăng hưng phấn ở hệ thần kinh - cơ mà biểu hiện dễ thấy nhất là tình trạng co cứng xảy ra ở các đầu chi, nhất là bàn tay).
- Bệnh não cấp còn gọi là chứng kinh giật Ho gà.
* Biến chứng cơ học:
- Lồng ruột, thoát vị, sa trực tràng. Trường hợp nặng có thể gặp vỡ phế nang, tràn khí trung thất hoặc tràn khí màng phổi.
Thiếu niên và người lớn cũng có thể bị biến chứng do bệnh Ho gà. Biến chứng thường ít nghiêm trọng hơn ở những lứa tuổi này, đặc biệt với những người đã được tiêm vắc xin phòng bệnh Ho gà. Biến chứng ở thiếu niên và người lớn thường gây ra bởi bản thân các cơn ho. Các biến chứng phổ biến nhất ở người lớn mắc bệnh Ho gà là:
- Sút cân (33%)
- Mất kiểm soát bàng quang (28%)
- Bất tỉnh (6%)
- Gẫy xương sườn do ho nặng (4%)
Phòng bệnh
Mặc dù dịch bệnh Ho gà đã được khống chế nhưng đây không phải là bệnh đã được thanh toán hoặc loại trừ trên thế giới cũng như ở Việt Nam, nên nguy cơ có thể có những ổ dịch nếu không làm tốt công tác phòng ngừa như: duy trì tiêm vắc - xin đạt tỷ lệ cao (đặc biệt vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ...), không thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.
Để chủ động phòng chống bệnh Ho gà, ngành Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
1. Chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng vắc- xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch. Trẻ sơ sinh tiêm vắc- xin Ho gà vào 3 thời điểm: 2, 4 và 6 tháng tuổi. Tiêm nhắc lại sau 1 năm, 3 năm và 5 năm.
2. Bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng.
3. Thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân cho trẻ như che mũi, miệng khi hắt hơi.
4. Ăn uống đủ chất, dinh dưỡng hợp lý.
5. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh Ho gà cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, cách ly và điều trị kịp thời.


Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập