Điều chỉnh chủ trương đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) theo hình thúc đối tác công tư
Lượt xem: 4633

Ngày 16/01/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 20/QĐ-TTg về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Theo đó, điều chỉnh phạm vi đầu tư  dự án, cụ thể: Tuyến cao tốc có chiều dài khoảng 121,06 km, trong đó, địa phận tỉnh Lạng Sơn khoảng 52 km (đi qua các huyện Văn Lãng, Tràng Định) và địa phận tỉnh Cao Bằng khoảng 69,06 km (đi qua các huyện Thạch An, Quảng Hòa, Trùng Khánh). Điểm đầu dự án tại nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn); điểm cuối tại ranh giới quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh (Trùng Khánh). Việc đầu tư xây dựng tuyến nối cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh với Thành phố Cao Bằng, giao UBND tỉnh nghiên cứu, rà soát, huy động nguồn lực, đầu tư thành một dự án độc lập.

Điều chỉnh quy mô phân kỳ của dự án: Giai đoạn 1 đầu tư khoảng 93,35 km (từ Km0+00 tại nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng đến khoảng Km93+350 điểm giao với quốc lộ 3 huyện Quảng Hòa. Giai đoạn 2, đầu tư tiếp khoảng 27,71 km (từ khoảng Km93+350 điểm cuối giai đoạn 1 đến Km121+060, điểm cuối tại ranh giới quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh.

Trong bước tiếp theo, tiếp tục nghiên cứu tối ưu hóa hướng tuyến, xác định cụ thể các nút giao nhằm phát huy khai thác hiệu quả tối đa tuyến đường cao tốc cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Điều chỉnh tổng mức đầu tư sơ bộ là 22.690 tỷ đồng, bao gồm: Giai đoạn 1 khoảng 13.174 tỷ đồng, trong đó phần vốn do nhà đầu tư huy động là 6.594 tỷ đồng, vốn Nhà nước tham gia trong dự án 6.580 tỷ đồng); Giai đoạn 2 khoảng 9.516 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác. Thời gian thực hiện dự án giai đoạn 1 từ năm 2020-2025, giai đoạn 2 sau năm 2025; thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn khoảng 23 năm (từ 2026-2049) sẽ được xác định cụ thể trong bước Báo cáo nghiên cứu khả thi, đàm phán, ký kết hợp đồng dự án.

Về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu cho dự án theo quy định tại Điều 82 Luật PPP và nguồn chi trả cho phần giảm doanh thu là dự phòng ngân sách trung ương.

Điều chỉnh nhu cầu sử dụng đất khoảng 730,18 ha (giảm 57,82 ha), trong đó Lạng Sơn khoảng 312,01 ha, Cao Bằng khoảng 418,17 ha. Chi phí giải phóng mặt bằng trên địa phận tỉnh Lạng Sơn là 546,06 tỷ đồng dùng ngân sách trung ương de thực hiện; chi phi giải phóng mặt bằng trên địa phận tỉnh Cao Bằng là 669,76 tỷ đồng dùng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương để thực hiện. Diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác cho cả dự án khoảng 212,16 ha, trong đó Cao Bằng khoảng khoảng 104,51 ha (diện tích rừng tự nhiên khoảng khoảng 96,74 ha, rừng trồng khoảng 7,77 ha).

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh chịu trách nhiệm bố trí và sử dụng vốn theo đúng quy định hiện hành, đảm bảo đầy đủ, kịp thời để triển khai dự án đúng tiến độ được duyệt; bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và tránh thất thoát, lãng phí; thực hiện lựa chọn nhà đầu tư đúng quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Lạng Sơn và các cơ quan có liên quan trong quá trình triển khai dự án; kiểm toán định kỳ ít nhất 5 năm 1 lần theo quy định của pháp luật để bảo đảm quyền lợi của nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

UBND 2 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra kỹ, hoàn thiện đầy đủ hồ sơ đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng; rà soát nhu cầu thực tế, xác định vị trí, ranh giới, diện tích, hiện trạng rừng, phù hợp với chỉ tiêu đất rừng đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện nghiêm nghĩa vụ trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, rà soát, bổ sung vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 của tỉnh đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng đất để triển khai dự án, đúng quy định của pháp luật.

HĐND các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn chịu trách nhiệm giám sát chặt chẽ việc đề xuất chủ trương và tổ chức thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để triển khai dự án.

Giao các bộ, ngành liên quan chủ trì, phối hợp với các địa phương vùng dự án trong quá trình triển khai thực hiện đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Tải tệp đính kèm:


D.L





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1