Phòng tránh các bệnh về đường hô hấp cho trẻ trong điều kiện thời tiết giao mùa
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Thành phố, trong tháng 10 và đầu tuần tháng 11/2022, số lượng bệnh nhi vào điều trị tại đơn vị tăng gấp đôi so với những tháng trước. Tổng số bệnh nhi điều trị trong tháng 10/2022 là 111 người bệnh, từ 01 – 06/11/2022 Khoa Nhi đã và đang điều trị cho 32 bệnh nhi, tập trung ở nhóm từ 1 – 5 tuổi. Các trẻ đến khám chủ yếu mắc các bệnh lý về đường hô hấp gồm: Viêm phổi, viêm xoang, viêm phế quản, viêm họng, hen phế quản và một số bệnh lý khác như: Tiêu chảy, dị ứng… 

Khám bệnh cho trẻ tại Khoa Nhi - Trung tâm Y tế Thành phố.

Nguyên nhân và lý do số trẻ nhập viện gia tăng đột ngột như vậy, Bs.CKI Lương Thị Tố Uyên – Trưởng Khoa Nhi – Trung tâm Y tế Thành phố cho biết: “Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi, nắng mưa thất thường, có sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khá lớn khiến cơ thể trẻ dễ bị mắc bệnh hơn, đặc biệt là các bệnh lý về đường hô hấp. Bên cạnh đó còn một số yếu tố thuận lợi khác, đó là: Môi trường khói bụi, ẩm thấp; Trẻ không được bú mẹ, trẻ nhỏ sức đề kháng kém; Chăm sóc trẻ không đúng cách, chế độ ăn uống chưa đầy đủ, không đảo bảo chất dinh dưỡng; Trẻ mắc các bệnh còi xương, suy dinh dưỡng, bệnh tim bẩm sinh, suy giảm miễn dịch bẩm sinh... Bên cạnh những yếu tố trên, trong năm 2022 về dịch tễ có một số điểm khác biệt đó là những trẻ đã từng mắc COVID-19 có ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và phản ứng viêm, có thể khiến trẻ dễ mắc các bệnh lý về hô hấp như ho và khò khè kéo dài hơn”.

Chị Long Thu Hương ở Tổ 2 – phường Sông Bằng, có 2 con nhỏ sinh đôi cùng 4 tuổi cho biết: Ở nhà thấy 2 cháu bị ho nhiều, không dứt trong vòng 3 ngày liền, gia đình đã cho các cháu uống thuốc kháng sinh nhưng không thấy đỡ, nên vội đưa cháu vào viện xin khám và điều trị, vào đây được các y, bác sĩ khám chẩn đoán 1 cháu bị viêm phế quản, cháu còn lại bị viêm phổi khá nặng phải hỗ trợ thở ô xy, sau vài ngày điều trị tại Khoa Nhi giờ các cháu đã ổn định, 1 cháu đã được ra viện, cháu còn lại cũng chuẩn bị được ra viện, tôi thấy rất yên tâm. 

Viên chức Trạm Y tế phường Đề Thám đang hướng dẫn các bậc phụ huynh cách theo dõi sự phát triển của trẻ qua "Biểu đồ tăng trưởng".

Để phòng tránh cho các bệnh lý thường gặp trên, các bậc phụ huynh cần lưu ý những điều sau:

1. Tránh tiếp xúc với nguồn lây:

- Cần rửa tay thường xuyên cho trẻ bằng nước sạch và xà phòng, chú ý tại các thời điểm: trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; bất kể lúc nào khi tay trẻ bị bẩn.

- Người chăm sóc trẻ cần rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi chăm sóc trẻ, trước khi chế biến thức ăn cho trẻ và trước khi cho trẻ ăn.

- Hạn chế tiếp xúc gần với những người đang mắc bệnh lý về hô hấp.

- Đối với trẻ lớn cần hướng dẫn trẻ che mũi, miệng khi ho và hắt hơi để tránh lây nhiễm cho người xung quanh.

- Thường xuyên vệ sinh đồ chơi cho trẻ.

2. Giữ ấm đường hô hấp:

- Để trẻ ở phòng thông thoáng, tránh gió lùa, tốt nhất nên duy trì nhiệt độ phòng từ 26 – 28oC.

- Giữ ấm đồ ăn, thức uống cho trẻ, nên cho trẻ ăn uống khi còn ấm, tốt nhất là ngay sau khi chế biến.

- Khi phải ra ngoài nên đeo khẩu trang, đội mũ, đi giầy và mặc ấm cho trẻ để tránh gặp lạnh đột ngột. Tuy nhiên cần lưu ý không mặc quá nhiều vì điều đó làm trẻ dễ ra mồ hôi, sau đó thấm ngược trở lại, điều đó dễ bị cảm lạnh gây viêm phổi, viêm da...

3. Chế độ dinh dưỡng giúp tăng cường đề kháng cho trẻ:

- Bữa ăn hằng ngày của trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng như chất đạm, tinh bột, chất béo, Vitamin và khoáng chất. Trong đó chất đạm và Vitamin hỗ trợ duy trì sức đề kháng và miễn dịch cho cơ thể. Chất đạm (Protein) có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa và các loại đậu đỗ; Vitamin có nhiều trong hoa quả tươi, rau xanh và nước ép hoa quả.

- Đối với trẻ em từ 0 – 06 tháng tuổi nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn để có khả năng phòng chống bệnh và phát triển toàn diện.

- Đối với trẻ trên 06 tháng tuổi cần phải cho trẻ uống đủ nước, nên uống nước ấm.

- Cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.

4.  Vệ sinh thân thể: Nên tắm cho trẻ ít nhất 1 lần/ngày, lựa chọn cho trẻ quần áo có chất liệu mềm, thoáng, không nên mặc áo quá chật.

5. Đảm bảo cho trẻ ngủ đủ giấc:

- Trẻ 1 - 2 tuổi: ngủ từ 11h – 14h/ngày.

- Trẻ 3 – 5 tuổi: ngủ từ 10h – 13 h/ngày.

- Trẻ từ 6 – 13 tuổi: ngủ từ 9h – 11h/ngày.

- Trẻ từ 14 – 17 tuổi: ngủ từ 8h – 10h/ ngày.

6. Vận động ngoài trời: Mùa đông thời tiết lạnh, nên lựa chọn thời gian thích hợp cho trẻ vận động ngoài trời. Khung thời gian cho trẻ vận động ngoài trời thích hợp buổi sáng từ 8h – 9h30 phút, buổi chiều từ 15h – 17h.

Khi có những dấu hiệu bất thường ở trẻ như: sốt, ho, thở khò khè, tiêu chảy... Các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Không tự ý mua và sử dụng thuốc kháng sinh, khi không có sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.

Khoa Nguyễn
Tin khác
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập