23/02/2017
Triệu chứng và cách phòng chống Cúm gia cầm H7N9
Cúm A (H7N9) là tên gọi của một loại vi-rút Cúm thường tìm thấy ở các loài chim, gia cầm và thủy cầm. Đây là một loại virus có thể lây nhiễm cho người, với biểu hiện lâm sàng giống với Cúm A (H5N1). Bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: tổn thương cơ, tiêu cơ nặng nề, viêm thận, suy phủ tạng... bệnh nặng, nguy cơ tử vong cao từ 50-100%.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh Cúm A (H7N9) tại Trung Quốc đang diễn biến phức tạp ở 13 tỉnh, thành phố (Vân Nam, Quảng Đông, Chiết Giang, Giang Tây, Hồ Nam, Giang Tô...) với số ca mắc bệnh tăng cao đột biến, tỷ lệ tử vong cao (khoảng 40%). Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã ghi nhận đến 425 ca mắc, trong đó xuất hiện chùm ca bệnh. Dịch chủ yếu ở khu vực phía đông nam, trong đó có tỉnh Vân Nam và Quảng Tây giáp biên giới nước ta với đường biên rất dài. Tỷ lệ tử vong lên tới 50% - 100%, Bộ Y tế nhận định khả năng xâm nhập của dịch bệnh vào nước ta là rất cao.
H7N9 lây truyền thế nào?
Người mắc virus Cúm A (H7N9) thường là sau khi tiếp xúc gần với gia cầm nhiễm bệnh (cả sống và chết) hoặc tiếp xúc với môi trường chứa virus Cúm gia cầm. Virus Cúm có nhiều trong cá thể bị bệnh, ví dụ trong phân và nước dãi của gia cầm bệnh. Nếu người tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị nhiễm bệnh hoặc môi trường chứa virus có thể bị nhiễm virus. Có một số nghiên cứu cho thấy bệnh có thể lây nhiễm qua đường không khí, chẳng hạn khi một cá thể gia cầm bị nhiễm bệnh để lại virus trong không khí, có thể lây nhiễm cho người. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng về việc lây nhiễm từ người qua người.
Triệu chứng của bệnh:
Triệu chứng ban đầu của bệnh thường là sốt cao và ho. Nhiều trường hợp bệnh tiến triển nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới: viêm phổi nặng, hội chứng suy hô hấp cấp, sốc nhiễm trùng và suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
Phòng bệnh Cúm H7N9:
Hiện nay chưa có vắc-xin để phòng ngừa Cúm A(H7N9) trên người. Do đó, cách phòng bệnh tốt nhất là phải chú ý các biện pháp vệ sinh như: Rửa tay bằng xà phòng và rửa tay dưới vòi nước chảy trước, trong và sau chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Rửa tay sau khi tiếp xúc hay làm thịt gia súc, gia cầm, sau khi dọn dẹp chất thải gia súc, gia cầm … Khi ho hoặc hắt hơi cần che miệng và mũi bằng khẩu trang y tế.
Virus Cúm A(H7N9) bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao, do đó cần phải nấu chín thịt gia cầm, trứng gia cầm, thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn trước khi ăn. Không nên ăn thịt gia súc, gia cầm chết do bệnh hay chết không rõ nguyên nhân. Thịt và trứng chưa được nấu phải để nơi riêng và cách xa với thức ăn đã nấu. Dao, thớt, bát, đĩa… sau khi dùng để cắt, đựng thịt sống, phải rửa sạch bằng xà phòng.
Cần tránh tiếp xúc trực tiếp với gia súc, gia cầm, vật dụng chứa đựng gia súc, gia cầm. Gia súc, gia cầm bị bệnh hoặc chết phải được tiêu huỷ và báo cáo với cơ quan thú y. Tuyệt đối không chế biến rồi ăn thịt gia súc, gia cầm bệnh hay đã chết. Tuyệt đối không để trẻ em tiếp xúc với gia súc, gia cầm bệnh hay gia súc, gia cầm bị chết.
Khách du lịch tới quốc gia có dịch Cúm gia cầm cần tránh xa các trại nuôi gia cầm hoặc tránh tiếp xúc với gia cầm sống tại các chợ gia cầm; Không nên tới khu vực giết mổ gia cầm; Không được tiếp xúc trực tiếp với các vật dụng bị ô nhiễm bởi phân gia cầm hoặc vật nuôi mà không có dụng cụ bảo hộ. Sau khi trở về từ khu vực đang có dịch bệnh Cúm gia cầm, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng Viêm đường hô hấp cấp như: sốt, ho, đau ngực, khó thở…cần nghĩ tới khả năng nhiễm Cúm A(H7N9) và đến ngay các cơ sở Y tế để được tư vấn, theo dõi, điều trị kịp thời.