Ghi nhận 11 ca mắc bệnh thủy đậu tại trường Mầm non Tân Giang, thành phố Cao Bằng
Theo báo cáo của Trạm Y tế phường Tân Giang, ngày 06/01, đã ghi nhận 11 ca mắc bệnh thủy đậu tại Trường Mầm non Tân Giang, các trẻ đều là học sinh lớp 4 tuổi. Hiện tại sức khỏe các trẻ ổn định, đang được nghỉ học và cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà, không ghi nhận thêm trường hợp trẻ mắc thủy đậu.

Ngay sau khi có dịch xảy ra, Trung tâm Y tế Thành phố đã chỉ đạo Trạm Y tế phường Tân Giang phối hợp với trường Mầm non Tân Giang nhanh chóng rà soát các học sinh tại trường, lập danh sách cụ thể các học sinh mắc bệnh thủy đậu; theo dõi trẻ học cùng lớp, tiếp xúc gần với các trẻ mắc bệnh; Tư vấn cho nhà trường thông báo các phụ huynh các học sinh mắc bệnh cho học sinh nghỉ học để theo dõi, điều trị tại gia đình; Khi có triệu chứng bất thường cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn, điều trị và xử trí kịp thời. Đồng thời tiến hành lau, phun khử trùng, khử khuẩn bằng hóa chất cloramin B và các hóa chất theo quy định để xử lý môi trường trong khuôn viên trường Mầm non, lớp học và làm sạch dụng cụ học tập, đồ chơi của các cháu học sinh.

Phun khử trùng khuôn viên trường Mầm non Tân Giang, thành phố Cao Bằng

Trạm Y tế phường Tân Giang tiếp tục giám sát, theo dõi sức khỏe, tư vấn phòng bệnh, điều trị các ca mắc bệnh; tăng cường giám sát để phát hiện ca mắc thủy đậu tại các trường học trên địa bàn và tại cộng đồng. Phối hợp với các Trường học trên địa bàn phường, thực hiện truyền thông tại trường học, vận động người dân, phụ huynh, học sinh tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như: Thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo vệ sinh nhà ở, lớp học, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, khi có học sinh mắc bệnh cho nghỉ tại nhà để cách ly, tránh lây lan cho người khác; Hướng dẫn các trường học thường xuyên lau, phun hóa chất để khử trùng, khử khuẩn môi trường và đồ chơi, dụng cụ học tập của học sinh.

Trung tâm Y tế Thành phố đề nghị các Trạm Y tế xã, phường tiếp tục tăng cường công tác truyền thông phòng, chống các bệnh truyền nhiễm tại trường học; vận động gười dân, phụ huynh, học sinh, giáo viên tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, phối hợp với các trường học trên địa bàn tăng cường giám sát phát hiện bệnh thủy đậu, các bệnh truyền nhiễm khác tại cộng đồng, xử lý kịp thời các trường hợp nghi mắc bệnh truyền nhiễm, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Về cơ bản người mắc thủy đậu sẽ sinh miễn dịch tự nhiên giúp bản thân người đã mắc thủy đậu ít bị tái nhiễm trở lại, tuy nhiên vẫn gặp một số trường hợp tái phát lần 2. Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo, tiêm phòng vắc xin thủy đậu là biện pháp phòng tránh chủ động, hiệu quả và lâu dài nhất. Với trẻ em việc tiêm phòng vắc xin thủy đậu càng quan trọng. Hãy đưa trẻ nhỏ tới cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm vắc xin phòng bệnh theo đúng liều lượng quy định. Lịch tiêm gồm:

Mũi 1: tiêm khi trẻ trên 1 tuổi.

Mũi 2: Trẻ từ 1 - 13 tuổi: tiêm cách mũi 1 tối thiểu 3 tháng.

Trẻ 13 tuổi trở lên: mũi 2 tiêm cách mũi 1 ít nhất 1 tháng.

Khi tiếp xúc với người đang mắc bệnh thủy đậu mà bản thân chưa tiêm phòng vắc xin thủy đậu, cần tiêm phòng trong 3 ngày sau đó. Không sử dụng đồ dùng cá nhân với người nhiễm bệnh, không chạm vào các mụn nước thủy đậu. Người bệnh cần được cách ly với người thân cũng như cộng đồng, tránh để lây nhiễm rộng rãi.

Phụ nữ mang thai khi mắc bệnh thủy đậu cần đến khám tại các cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị theo phác đồ, hướng dẫn của thầy thuốc.

 

Khoa Nguyễn
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập