Lan tỏa phong trào hiến máu cứu người
Cùng với sự tận tình trong công tác điều trị, chăm sóc người bệnh, các bác sĩ và điều dưỡng Trung tâm Y tế thành phố luôn quan tâm tới công việc hiến máu, vận động mọi người hiến máu tình nguyện để giúp đỡ nhiều người bệnh qua cơn nguy kịch.
anh tin bai

Các đoàn viên công đoàn tiêu biểu trong phong trào hiến máu tình nguyện của Trung tâm Y tế Thành phố chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Công đoàn ngành Y tế.

Máu là một dược phẩm quí mà cho đến nay chưa có chất thay thế hoàn toàn chức năng của nó, vì vậy nguồn máu để cho cấp cứu và điều trị người bệnh vẫn từ nguồn người hiến máu. Những người có sức khoẻ bình thường đều có thể hiến một phần máu của mình để cứu người mà không hề ảnh hưởng đến sức khoẻ. Theo đó, người hiến máu ở độ tuổi nữ là 18 - 55 và nam từ 18 - 60. Cân nặng trên 45kg. Một năm có thể hiến máu tối đa từ 3- 4 lần, người hiến máu không mắc bệnh lý, không bị nhiễm các tác nhân lây qua đường truyền máu, không có hành vi nguy cơ, đều có thể hiến máu.

Tại Trung tâm Y tế thành phố Cao Bằng, hằng năm đơn vị đã vận động trên 20 đoàn viên công đoàn tham gia công tác hiến máu tình nguyện qua các chương trình do Ban Tổ chức Hành trình đỏ Trung ương và Ban Tổ chức vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Cao Bằng phát động như: Lễ hội Xuân hồng, Giọt hồng miền nước, Ngày hội hiến máu tình nguyện, hiến máu cấp cứu người bệnh trực tiếp … Qua đó đã góp phần cứu sống những người bệnh không may bị mất máu cấp, thiếu máu nặng qua cơn nguy kịch. Qua phong trào hiến máu tình nguyện, đơn vị đã xuất hiện nhiều gương hiến máu tình nguyện điển hình.

Bs.CKI Nguyễn Văn Thanh công tác tại khoa Dược – Vật tư y tế - Chẩn đoán hình ảnh – thăm dò chức năng đã 12 lần tham gia hiến máu tình nguyện. Đối với anh hiến máu tình nguyện là việc làm thường niên, theo anh hiến máu cứu người là việc làm có ý nghĩa nhân văn, nhân đạo sâu sắc đặc biệt là đối với người thầy thuốc thì việc cứu sống người bệnh là trên hết. Bác sĩ Thanh cho biết anh sẽ tiếp tục hiến máu tình nguyện khi vẫn còn đủ điều kiện và sức khỏe.

Đối với điều dưỡng La Thúy Mai đã có 7 lần hiến máu tình nguyện, bản thân chị cho biết: hiểu rõ lợi ích và tầm quan trọng của việc hiến máu nên hằng năm chị vẫn tham gia hiến máu đều đặn, đợt này chị lại tiếp tục đăng ký hiến máu tình nguyện trong Chương trình “Giọt hồng miền non nước” năm 2024 sẽ diễn ra trong tháng 06/2024. Đồng thời, vận động các chị em đồng nghiệp, hàng xóm nơi cư trú cùng tham gia hiến máu nhân đạo với tinh thần “tương thân tương ái”, “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”.

Cùng là đồng nghiệp của anh Thanh, chị Mai, Kỹ thuật viên Lý Thị Thủy công tác tại Khoa Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng vừa hiến máu cấp cứu một bệnh nhi 15 tuổi, chị cho biết khi nghe tin cháu bé bị thiếu máu, chị đã không ngần ngại hiến 01 đơn vị máu để kịp thời cứu cháu bé qua cơn nguy kịch. Đây cũng là lần thứ 7 chị Thủy hiến máu tình nguyện cứu người.

Thành phần máu bao gồm tế bào máu và huyết tương chúng luôn được đổi mới hàng ngày. Mỗi tế bào máu có đời sống nhất định như hồng cầu là 120 ngày, tiểu cầu 8-12 ngày... Mỗi ngày số lượng tế bào máu bị tiêu huỷ sinh lý do tới giới hạn của đời sống là khoảng 25-50 ml máu. Tủy xương là cơ quan tạo máu chính, nó sản sinh các tế bào máu mới tương đương với lượng máu bị hủy sinh lý. Khi máu ngoại vi thiếu hụt dưới tác động của cơ chế kích thích tạo máu, tủy xương sẽ tăng sinh gấp 7 - 8 lần bình thường để tạo ra hồng cầu và các tế bào máu mới. Sau thời gian hiến máu khoảng từ 3 - 4 tuần các thành phần máu được hồi phục gần như bình thường. Do đó khi hiến máu việc thay đổi một số lượng tế bào máu già cỗi bằng số lượng tế bào máu mới khỏe mạnh có đời sống dài đảm bảo chức năng tốt hơn. Người hiến máu có thể hiến máu trở lại sau thời gian đã hiến máu là 03 tháng.

Những người khi đã tham gia hiến máu sẽ được tư vấn về sức khỏe, được cấp giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện có giá trị bồi hoàn lại máu trong trường hợp không may bản thân cần phải truyền máu tại các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc.

Mỗi lần tham gia hiến máu người hiến máu được bác sĩ khám và tư vấn cho người hiến máu. Lượng máu hiến một lần không quá 9ml/kg (<1/10 lượng máu của cơ thể). Ngay sau khi hiến máu các chỉ số vẫn ở trong giới hạn sinh lý bình thường và cơ thể tự điều hòa không ảnh hưởng đến chức năng sống còn của cơ thể. Hiến máu nhận đạo, người hiến máu làm việc thiện san sẻ với cộng đồng, có ý thức đảm bảo an toàn cho người nhận, bản thân giữ gìn sức khỏe có lối sống lành mạnh để tiếp tục tham gia hiến máu trở lại, theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ không có hại cho sức khỏe.

Ngày 14 tháng 6 hằng năm là ngày thế giới tôn vinh những người hiến máu. Với thông điệp đầy tính nhân văn “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, những người tham gia hiến máu tình nguyện đã sẵn sàng sẻ chia những giọt máu hồng của mình để giành lại sự sống cho nhiều người bệnh trong cơn nguy kịch. Nghĩa cử cao đẹp ấy đang ngày càng được nhân rộng, vươn xa, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia.

Bảo Nguyên

 

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập