Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch đau mắt đỏ trên địa bàn thành phố
Theo báo cáo của các Trạm Y tế trên địa bàn thành phố, từ ngày 29/9/2023 đến 11h00 ngày 02/10/2023 ghi nhận 59 trường hợp mắc bệnh đau mắt đỏ tại các trường học của phường Hòa Chung (Trường mầm non: 15); phường Hợp Giang (Trường mầm non 3 - 10: 11; tiểu học: 28 và THCS:02) và phường Duyệt Trung (Trường tiểu học: 03). Đây là bệnh lý thường gặp ở trẻ em và cả người trưởng thành, bệnh này xảy ra quanh năm, rất dễ lây và lan rộng thành dịch trong cộng đồng nhất là vào khoảng thời điểm giao mùa từ hè sang thu. 

Nhằm tăng cường triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn thành phố, không để dịch lan rộng trong cộng đồng. Trung tâm Y tế Thành phố đã có công văn chỉ đạo các Khoa, Phòng và các Trạm Y tế trực thuộc đơn vị tiếp tục tăng cường thực hiện công tác truyền thông, giám sát phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch đau mắt đỏ trên địa bàn thành phố. Cụ thể như sau:

1. Tăng cường tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh đau mắt đỏ

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch.

- Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng.

- Không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang...

- Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.

- Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.

- Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác.

- Khi phát hiện các triệu chứng nghi mắc bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; cần được nghỉ học/nghỉ làm việc để tránh lây nhiễm cho người xung quanh và lây lan ra cộng đồng; đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

 

anh tin bai

(Ảnh: Nguồn Internet)

2. Phòng bệnh

- Khi không có dịch: Vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch; Dùng riêng khăn, gối, chậu rửa mặt; Giặt sạch khăn mặt bằng xà phòng và nước sạch, phơi khăn ngoài nắng hàng ngày; Không dùng tay dụi mắt.

- Khi đang có dịch đau mắt đỏ: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; Rửa mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý (nước muối 0,9%), ngày ít nhất 3 lần vào các buổi sáng, trưa, tối; Không dùng chung thuốc nhỏ mắt, không dùng chung đồ đạc với người đau mắt; Hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt; Hạn chế đến những nơi đông người đặc biệt là những nơi có nhiều mầm bệnh như bệnh viện,... Hạn chế sử dụng các nguồn nước bị ô nhiễm, hạn chế đi bơi.

3. Xử lý ổ dịch

- Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp đau mắt đỏ tại nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và cộng đồng để triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch kịp thời hạn chế tối đa số ca mắc, không để dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng. Báo cáo kịp thời khi ghi nhận ca bệnh nghi ngờ, ca mắc bệnh để có biện pháp xử lý theo quy định.

- Khám sàng lọc, giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đau mắt đỏ để hướng dẫn cách ly điều trị tại nhà;

- Theo dõi hướng dẫn phát hiện sớm các trường hợp diễn biến nặng để chuyển đến cơ sở y tế khám chuyên khoa mắt điều trị phòng biến chứng.

- Khử khuẩn lớp học, phòng ngủ nội trú, ký túc xá, văn phòng nơi ghi nhận ổ dịch,... khử khuẩn tay, thường xuyên rửa tay với xà phòng, hạn chế tiếp xúc đông người, đeo khẩu trang, tạm hoãn các hoạt động tập trung đông người; Lau hoặc phun khử trùng sàn nhà, bàn, ghế, tay nắm cửa dụng cụ học tập, đồ chơi, không dùng chung cốc, bát đũa, khăn mặt, chậu rửa mặt, mở cửa thông thoáng.

4. Điều trị và chăm sóc người bệnh

- Tránh khói bụi, đeo kính mát cho mắt; Những trẻ em bị bệnh nên nghỉ học, không đưa trẻ đến trường hoặc những nơi đông người trong thời gian bị bệnh. Tránh ôm ấp khi trẻ em bị bệnh, ngủ riêng; Trước và sau khi vệ sinh mắt, nhỏ mắt, cần rửa tay thật sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

- Rửa mắt liên tục bằng thuốc nhỏ mắt thông thường (nước muối sinh lý 0,9 %).

- Lau rửa dử mắt ít nhất hai lần một ngày bằng khăn giấy ẩm hoặc bông, lau xong vứt bỏ khăn đúng nơi quy định, không sử dụng lại. Không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn.

- Khi trẻ bị đau mắt, thông thường sẽ bị một bên mắt trước, bố mẹ và người nhà cần chăm sóc trẻ thật cẩn thận, để tránh nhiễm bệnh cho mắt còn lại. Cho trẻ nằm nghiêng một bên, nhỏ mắt rồi dùng gạc y tế lau ngay ghèn, dử và nước mắt chảy ra (làm tương tự đối với người lớn).

- Không tự ý mua thuốc nhỏ mắt. Không dùng thuốc nhỏ mắt của người khác. Không đắp các loại lá vào mắt như là trầu, lá dâu...

- Người bệnh cần được nghỉ ngơi, cách ly.

- Khi có dấu hiệu đau mắt đỏ phải đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị theo đơn của thầy thuốc. Không được tự ý dùng thuốc kháng sinh, chỉ điều trị kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ.

Nguyễn Khoa (T/h)

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 17
  • Hôm nay: 32
  • Trong tuần: 2 971
  • Tổng lượt truy cập: 261303
  • Tất cả: 850
Đăng nhập