Glocom - nguyên nhân đứng thứ hai gây mù lòa
Glocom (thiên đầu thống) là bệnh lý về mắt, thường gặp ở lứa tuổi trên 40, bệnh lý này nếu không được phát hiện sớm, điều trị đúng và theo dõi chặt chẽ bệnh sẽ tiến triển nặng hơn gây tổn hại đến thần kinh thị giác dẫn đến mù lòa vĩnh viễn.

Theo các nghiên cứu dự báo số lượng người bệnh Glocom sẽ tăng lên đáng kể vào những năm tới, ước tính đã có khoảng 80 triệu người mắc bệnh Glocom trong năm 2020, chiếm tỷ lệ 2,86% ở những người hơn 40 tuổi trên toàn cầu, trong đó 11,2 triệu người bị mù do bệnh. Đa số những người mù đang sống tại các nước đang phát triển, đặc biệt là người dân sống ở nông thôn, thiếu các dịch vụ chăm sóc mắt (47% bệnh nhân glocom thuộc về khu vực châu Á)..

 Glocom là một bệnh lý của thần kinh thị giác, tiến triển mãn tính, đặc trưng bởi sự chết dần của tế bào hạch võng mạc, biểu hiện bằng teo lõm đĩa thị giác, tổn hại đến thị trường đặc hiệu và thường liên quan đến một tình trạng áp lực của mắt tăng cao. Bệnh này phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam, là một trong những nguyên nhân hàng đầu ở hầu hết các nước, là nguyên nhân đứng thứ hai gây mù lòa sau bệnh Đục thủy tinh thể tại nước ta, vì vậy căn bệnh này là mối đe dọa nguy hiểm đối với sức khỏe của cộng đồng.

 Bệnh Glocom được chia làm 3 nhóm chính: Glocom bẩm sinh, Glocom nguyên phát và Glocom thứ phát. Những người mắc bệnh Glocom thường có biểu hiện:

          - Đau nhức mắt xuất hiện đột ngột  và dữ dội, thường ở một mắt, đau lan lên nửa đầu cùng bên.

          - Nhìn mọi vật như qua màn sương mù, thấy những quầng màu sắc quanh đèn sáng, chói, sợ sáng.

          - Người bệnh có cảm giác buồn nôn, hoặc nôn, vã mồ hôi, đôi khi có co rút vùng bụng, tim đập nhanh, loạn nhịp tim…

          - Thị lực trung tâm giảm đột ngột vì giác mạc bị phù do nhãn áp tăng cao, có khi lên tới 50 - 60 mmHg.

          - Sờ, nắn, ấn nhẹ ngón tay vào mi trên có cảm giác nhãn cầu căng cứng như hòn bi ve.

 Bệnh glocom nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng và theo dõi chặt chẽ người bệnh có thể bảo toàn được khả năng nhìn của mắt.

anh tin bai

Khám chuyên khoa mắt cho người bệnh tại Trung tâm Y tế Thành phố

Bs.CKI Đinh Viết Hiển – Trung tâm Y tế Thành phố cho biết: Có hai phương pháp để điều trị bệnh Glocom đó là điều trị Nội khoa và điều trị Ngoại khoa. Đối với điều trị Nội khoa, chủ yếu là dùng các loại thuốc tra mắt, thuốc truyền tĩnh mạch với mục đích làm hạ nhãn áp cho người bệnh, trong quá trình theo dõi và điều trị mà nhãn áp vẫn không hạ thì có thể sử dụng phương pháp Laser tuỳ từng hình thái Glocom mà dùng laser cho hợp lý hiện nay có các: Laser mống mắt chu biên, Cắt mống mắt chu biên, tạo hình mống mắt bằng laser, đốt laser vùng bè, đốt laser vùng bè chọn lọc, laser quang đông thể mi. Khi mà sử dụng thuốc và Laser mà vẫn không hiệu quả chúng ta sẽ sử dụng phương pháp phẫu thuật. Dùng phương pháp phẫu thuật với mục đích điều chỉnh sự lưu thông thủy dịch, giảm nhãn áp, hiện nay có rất nhiều phương pháp phẫu thuật, cắt bè củng giác mạc, cắt mống mắt chu biên, cắt mống mắt và tạo lỗ dò với mục đích làm hạ nhãn áp cho người bệnh, tránh tổn hại đến thần kinh và thị thần kinh về sau. Cho đến nay chưa có biện pháp nào có thể phòng được bệnh Glocom. Vì vậy việc phát hiện và điều trị sớm, theo dõi thường xuyên là rất quan trọng. Các đối tượng có nguy cao như người trên 40 tuổi nên đi khám mắt 1 năm 1 lần, người có người thân mắc bệnh Glocom nên khám mắt định kỳ 6 tháng 1 lần.Tuyệt đối không tùy tiện dùng thuốc Corticoid tra mắt và uống kéo dài nếu không có sự chỉ định, theo dõi của bác sĩ nhãn khoa.

Nguyễn Khoa

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập