Bệnh sốt xuất huyết và cách phòng tránh
Thời tiết giao mùa Xuân – Hạ năm nay diễn biến bất thường, điều này tạo điều kiện cho một số dịch bệnh phát triển, đặc biệt là cúm mùa và sốt xuất huyết. Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế trong 02 tháng đầu năm 2023 (từ đầu năm đến hết tuần 09 của năm 2023) cả nước ghi nhận 18.823 trường hợp mắc sốt xuất huyết với 03 ca tử vong tại tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, so với cùng kỳ năm 2022 số mắc sốt xuất huyết tăng gấp 2 lần. Tại tỉnh Cao Bằng ghi nhận 01 trường hợp mắc sốt xuất huyết xâm nhập vào năm 2022.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra nên còn được gọi là sốt xuất huyết Dengue. Đây là bệnh lây truyền khi muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) mang mầm bệnh đốt. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mỗi năm toàn cầu có khoảng 390 triệu ca nhiễm virus Dengue, trong đó 96 triệu người có biểu hiện lâm sàng. Một nghiên cứu khác về sự phổ biến của bệnh sốt xuất huyết ước tính rằng 3,9 tỷ người có nguy cơ nhiễm virus sốt xuất huyết, trong đó 70% gánh nặng thực sự nằm ở các nước châu Á.

Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết là do virus Dengue, vật trung gian truyền bệnh là muỗi vằn (Aedes aegypti), nó có thể đưa virus gây bệnh vào máu của người bằng cách đốt (cắn, chích...), từ đó gây bệnh cho người lành.

Virus Dengue có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Người bệnh nhiễm với chủng virus nào thì có khả năng tạo nên miễn dịch suốt đời với chủng virus đó, nhưng vẫn có nguy cơ mắc các chủng khác. Vì vậy, những người sống trong vùng lưu hành dịch Dengue có thể mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều hơn một lần trong đời bởi chủng virus khác.

Muỗi Aedes aegypti hoạt động ban ngày, đặc biệt chỉ có muỗi cái mới có thể đốt người và truyền bệnh. Virus Dengue sẽ ủ bệnh trong cơ thể muỗi Aedes khoảng 8 - 11 ngày. Sau đó, bị muỗi Aedes đốt tại thời điểm này thì virus sẽ được lây truyền.

anh tin bai

Phun hóa chất diệt muỗi dưới gầm nhà sàn, xung quanh nhà ở là biện pháp phòng chống sốt xuất huyết hữu hiệu tại khu dân cư vùng sâu, vùng xa

Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh sốt xuất huyết dạng nhẹ sẽ gây sốt cao, phát ban, đau cơ và khớp, rối loạn đông máu, suy đa tạng... Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời dễ dẫn đến dễ dẫn đến sốt xuất huyết dạng nặng, có thể gây chảy máu nặng, giảm huyết áp đột ngột (sốc) và tử vong.

Sốt xuất huyết thể nhẹ

Những người lần đầu tiên mắc bệnh bị loại này vì họ chưa có miễn dịch với bệnh. Đây là dạng có biểu hiện các triệu chứng điển hình và không có biến chứng. Bệnh thường bắt đầu với triệu chứng sốt và sẽ kéo dài trong vòng 4 - 7 ngày tính từ sau khi bị truyền bệnh bởi muỗi. Ngoài ra, còn có các triệu chứng như:

- Sốt cao, lên đến 40,50 C

- Nhức đầu nghiêm trọng

- Đau phía sau mắt

- Đau khớp và cơ

- Buồn nôn và nôn mửa

- Phát ban.

Các ban sốt xuất huyết có thể xuất hiện trên cơ thể 3 - 4 ngày sau khi bắt đầu sốt và sau đó thuyên giảm sau 1 - 2 ngày. Có thể bị nổi ban lại một lần nữa vào ngày sau đó.

Sốt xuất huyết có chảy máu

Các dấu hiệu sốt xuất huyết dạng này bao gồm tất cả các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết nhẹ kèm theo tổn thương mạch máu và mạch bạch huyết, chảy máu cam, chảy máu ở nướu hoặc dưới da, gây ra vết bầm tím. Thể bệnh này có thể dẫn đến tử vong.

Triệu chứng sốt xuất huyết dengue

Thể bệnh này là dạng nặng nhất của bệnh sốt xuất huyết – bao gồm tất cả các biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết nhẹ cộng với các triệu chứng chảy máu, kèm theo huyết tương thoát khỏi mạch máu, chảy máu ồ ạt trong và ngoài cơ thể, sốc (huyết áp thấp).

Loại này thường xảy ra trong lần nhiễm trùng sau, khi cơ thể đã có miễn dịch chủ động (do đã từng mắc bệnh) hoặc thụ động (do mẹ truyền sang) đối với một loại kháng nguyên virus. Bệnh thường biểu hiện nặng đột ngột sau 2 đến 5 ngày (giai đoạn hạ sốt). Dạng này của bệnh thường xảy ra ở trẻ em (đôi khi ở người lớn). Dạng bệnh này có thể gây tử vong, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh, có thể có các biến chứng nguy hiểm, Sốt xuất huyết có thể gây nên các biến chứng nặng, tỷ lệ tử vong cao, như:

- Thoát huyết tương nặng làm giảm khối lượng tuần hoàn dẫn đến sốc sốt xuất huyết, chảy máu cam nặng (cần nhét gạc vách mũi), rong kinh nặng, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng;

- Xuất huyết nặng có thể dẫn đến đông máu rải rác lòng mạch.

- Xuất huyết nặng cũng có thể xảy ra ở người bệnh dùng các thuốc như aspirin, ibuprofen để hạ sốt hoặc dùng corticoid, tiền sử loét dạ dày, tá tràng, viêm gan mạn.

- Suy tạng nặng, suy gan, suy thận cấp: Thiểu niệu, vô niệu (không có nước tiểu), ure, creatinin tăng cao.

- Rối loạn tri giác, viêm cơ timsuy tim.

Bệnh sốt xuất huyết đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Cách phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất là tích cực diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt, vì đây là tác nhân chính gây bệnh sốt xuất huyết.

Có những biện pháp chính sau:

- Ngăn ngừa muỗi sinh sản: Đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không đẻ được trứng. Thả cả vào các dụng cụ chứa nước lớn để diệt loăng quăng, bọ gậy. Vệ sinh các dụng cụ chứa nước nhỏ thường xuyên như: Xô, chậu, lu, chum, vại…và lật úp các vật dụng này khi không sử dụng. Phát quang bụi rậm, cây cối xung quanh nhà ở và thu gom các vật dụng phế thải có thể chứa nước dễ chứa lăng quăng như chai, lọ, lon, vỏ dừa, lốp xe vứt bỏ…

- Phòng muỗi đốt bằng các cách như: Mặc quần áo dài tay khi đi ra ngoài, ngủ trong màn kể cả ban ngày lẫn ban đêm. Xua đuổi muỗi vào nhà bằng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua đuổi muỗi, bắt muỗi bằng vợt điện… Phối hợp với chính quyền để phun đủ các đợt phun hóa chất diệt muỗi. 

- Phòng lây lan dịch từ người bệnh: Không để người bệnh sốt xuất huyết bị muỗi đốt bằng cách cho người bệnh ngủ trong màn.

Khi có những dấu hiệu:

- Không ăn uống được, nôn nhiều, đau bụng nhiều hơn.

- Tay chân lạnh, ẩm, cảm thấy khó chịu nhiều hơn mặc dù đã giảm hoặc hết sốt, mệt mỏi người li bì, bứt rứt, thay đổi hành vi.

- Chảy máu mũi, nôn ra máu, xuất huyết âm đạo bất thường đối với nữ giới, có máu lẫn ở trong phân, đi ngoài phân đen.

- Khó thở, tiểu ít.

Cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, chẩn đoán, tư vấn và điều trị kịp thời tránh những biến chứng xấu do bệnh sốt xuất huyết gây ra.

  Nguyễn Khoa

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập